Thép cuộn nguội của Việt Nam xuất khẩu sang Indonesia sẽ chịu thuế chống bán phá giá 13,5% – 36,6% theo quyết định cuối cùng do Ủy ban Chống bán phá giá Indonesia (KADI) ban hành vào cuối tháng 12-2012.
Thông tin trên được đăng trên trang web của Cục Quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công Thương hôm 8-1.
Trước đó, ngày 24-6-2011, vụ điều tra được khởi xướng đối với thép cuộn cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Sản phẩm bị điều tra là thép cuộn nguội (cold rolled coil/sheet) có mã HS 7209 và 7211. Giai đoạn điều tra là năm 2010.
Qua trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online chiều 8-1 liên quan đến thông tin thép Việt Nam bị áp thuế chống bán phá giá tại Indonesia, ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, lượng thép cuộn cán nguội xuất sang Indonesia chủ yếu là của Công ty thép Posco Việt Nam, nhưng với lượng xuất không nhiều lắm.
VSA: Cẩn thận khi xuất khẩu thép!Theo ông Đinh Huy Tam, Phó chủ tịch VSA, để hạn chế ở mức thấp nhất việc bị kiện trong tương lai, các doanh nghiệp xuất khẩu thép trong nước cần phải tìm hiểu kỹ, nắm rõ luật lệ và quy định của các nước sở tại.
Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thép còn lơ là, chủ quan trong việc tím hiểu kỹ thông tin, quy định của các nước nhập khẩu. |
Theo ông Nghi thì ngoài thép cuộn cán nguội, hiện Việt Nam còn xuất khẩu sang Indonesia sản phẩm tôn mạ màu và phôi.
Ông Nghi nhận định đối với thị trường Indonesia, gần đây do họ thấy tỉ lệ nhập khẩu tôn mạ vào nước này tăng cao nên đã dùng biện pháp tự vệ bằng cách nâng thuế nhập khẩu tôn mạ vào nước này, không chỉ đối với tôn mạ của Việt Nam mà còn đối với một số nước khác.
Ngoài Indonesia áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cuộn cán nguội, gần đây thép xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam còn bị đe dọa kiện chống bán phá giá từ các nước khác như Thái Lan, Malaysia.
Còn theo Bộ Thương mại Indonesia, trong năm 2010, Indonesia nhập khẩu 924.801 tấn thép cuộn cán nguội (loại nguyên liệu sử dụng chủ yếu trong ngành sản xuất ô tô, ống dẫn và nội thất) tăng 57,19% so với năm 2009.
Ngoài ra, về giá trị, nhập khẩu thép của Indonesia trong năm 2009 giảm 38% so với năm 2008, xuống còn 7,2 tỉ đô la Mỹ. Tuy nhiên, trong 11 tháng đầu năm 2010, thép nhập khẩu vào thị trường này tăng 40% lên 8,89 tỉ đô la Mỹ.
Tổng cục Hải quan Việt Nam cũng đưa ra số liệu rằng trong 11 tháng đầu năm 2012, Việt Nam xuất khẩu sản phẩm sắt thép sang Indonesia đạt trên 16,6 triệu đô la Mỹ, tăng trên 80,4% so với mức 9,2 triệu đô la Mỹ trong cùng kỳ năm 2011, và 10,4 triệu đô la Mỹ trong cùng kỳ năm 2010.
Trong thời gian gần đây, sản phẩm thép của Việt Nam liên tiếp bị kiện tại một số thị trường. Trước đó, vào tháng 5-2012, một sản phẩm thép khác của Việt Nam là thép cán nguội (flat-rolled stainless steel) cũng bị Brazil khởi kiện chống bán phá giá.Ngoài ra, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với mặt hàng ống thép hàn cacbon (circular welded cabon-quality steel pipe) mã HS 7306 nhập khẩu từ Ấn Độ, Oman, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), và Việt Nam. Ngày 27-3-2012, DOC ra quyết định sơ bộ khẳng định các nhà sản xuất ống thép hàn cacbon của Việt Nam và Ấn Độ có hưởng lợi từ trợ cấp. |