Giám đốc Chi nhánh Công ty giám định Vinacontrol tại Đà Nẵng cho hay, sau hơn 2 ngày tích cực triển khai, đến thời điểm này việc lấy mẫu theo trưng cầu giám định của Sở TN-MT Đà Nẵng tại 18 container sắt thép phế liệu bị nghi là “rác bẩn” của Công ty cổ phần thép Thành Lợi đã hoàn tất.
Từ ngày 4/8, Chi nhánh Vinacontrol Đà Nẵng sẽ tiến hành phân loại số mẫu này để làm cơ sở cho giai đoạn phân tích.
Ông Vũ Ngọc Khoa cho hay, theo quy định của Nhà nước, có trên 200 tiêu chí, loại chất độc hại khác nhau cần được phân tích, giám định.
Thông qua phân loại sẽ tiến hành xác định những tạp chất không phải sắt thép mà bằng cảm quan có thể xác định là không độc hại, những loại tạp chất khác có thể có và không thể có trong lô hàng. Từ đó mới định ra tiêu chí để phân tích có độc hại hay không, độc hại tới mức nào chứ không phải phân tích cả hơn 200 tiêu chí.
Các công đoạn lấy mẫu và phân loại, theo ông Vũ Ngọc Khoa, phải tiến hành thật chi tiết, cẩn trọng để đảm bảo cho việc phân tích có thể đưa ra một kết quả chính xác, khách quan trên cơ sở những quy định của Nhà nước về bảo vệ môi trường. Do vậy đòi hỏi phải tốn khá nhiều thời gian, công sức.
Ông Vũ Ngọc Khoa cũng cho hay, trong hơn hai ngày qua, cán bộ kỹ thuật của Chi nhánh Vinacontrol đã tiến hành đo phóng xạ đối với cả 18 container sắt thép phế liệu của Công ty Thành Lợi.
“Thông thường, chúng tôi giám định theo các tiêu chí yêu cầu của khách hàng; tuy nhiên, với sắt thép phế liệu nhập khẩu để tái chế, theo quy định Nhà nước, phải đo cường độ nhiễm phóng xạ. Đặc biệt, với lô hàng bị băm vụn như thế này thì càng cần thiết phải đo, phòng khi phế liệu này có nguồn gốc từ các nhà máy hạt nhân” – ông Khoa giải thích.
Đến nay, việc đo phóng xạ này cũng đã hoàn tất, tuy nhiên phải đến ngày 4/8 mới có thể tập hợp số liệu đầy đủ từ các cán bộ kỹ thuật. Trước đó, kết quả đo đạc từ một số container đầu tiên vào chiều 1/8 cho thấy có nhiễm phóng xạ, nhưng mới ở mức trung bình, từ 0,04-0,06 microsiva/giờ, nghĩa là còn dưới ngưỡng cho phép theo quy định.
“Nếu kết quả tổng hợp cuối cùng cho thấy mức độ nhiễm phóng xạ vượt chuẩn quy định của Nhà nước thì đã đủ để kết luận lô sắt thép phế liệu của Công ty Thành Lợi không được phép nhập khẩu vào VN, chứ không cần phải tiến hành thêm bước phân tích, giám định nào nữa cả!” – ông Vũ Ngọc Khoa nói.
Tuy nhiên, khác với dự báo lạc quan của lãnh đạo Sở TN-MT Đà Nẵng về thời gian có kết quả giám định, ông Vũ Ngọc Khoa cho hay, sớm nhất cũng phải giữa hoặc cuối tuần tới mới có kết quả để chính thức có báo cáo bằng văn bản, làm cơ sở khoa học cho các cơ quan chức năng tiến hành xử lý vụ việc theo quy định.
“Chúng tôi sẽ cố gắng đẩy nhanh tiến độ tới mức có thể vì lô hàng này nhập về cảng Đà Nẵng cũng đã khá lâu rồi. Nếu quả thực nó chứa chất thải độc hại thì càng để lâu sẽ càng gây nguy hại cho môi trường, nhưng nếu không phải như vậy thì càng để lâu sẽ càng thiệt hại cho doanh nghiệp. Song có đẩy nhanh tiến độ tới đâu thì chúng tôi cũng phải tuân thủ đầy đủ các quy trình giám định đã được Nhà nước ban hành!” – ông Khoa nói.