Ông Karim Raslan, 54 tuổi, là một doanh nhân kiêm nhà bình luận, nhà báo và tác giả sách người Malaysia. Hồi tháng hai, ông đã đến làng Đa Hội thuộc tỉnh Bắc Ninh, cách Hà Nội 20 km, để gặp gỡ gia đình ông Trần Văn Quỵ cùng con gái ông là Trần Thị Lợi, 45 tuổi và cô cháu gái tên Yến, 18 tuổi.
Dưới đây là bài viết của ông về gia đình ba thế hệ này:
Tuy bản thân đã dành hơn 20 năm để đi mòn các con đường của Đông Nam Á, vừa đi vừa ghi chép và tìm hiểu, nhưng Việt Nam vẫn là một ẩn số đối với tôi khi đem ra so sánh với Philippines hay Indonesia. Những mường tượng trước kia của tôi về Việt Nam luôn bị định kiến bởi một lăng kính hỗn tạp của chiến tranh. Giờ đây, tôi muốn đi nhiều hơn để viết về một Việt Nam của hiện tại, Việt Nam của ngày hôm nay.
Giống như cách bản thân thường hay làm, tôi tìm đến một gia đình người Việt ở nông thôn để hỏi chuyện, để kể câu chuyện về những con người bình dị đó. Tôi muốn biết về cuộc đời của họ cũng như những hy vọng và ước mơ của họ về tương lai.
Bản thân tôi vẫn luôn tin tưởng rằng Việt Nam là một đất nước có sức sản xuất lớn và đang chập chững trên những bước đi đầu tiên tiến tới nền sản suất công nghiệp hiện đại. Không phải ngẫu nhiên mà người khổng lồ Samsung lại đặt nhà máy ngoại quốc duy nhất ở Bắc Ninh của Việt Nam chứ không phải một quốc gia Đông Nam Á nào khác. Đó cũng là lý do vì sao tôi quyết định đến thăm ngôi làng Đa Hội ở Bắc Ninh, một nơi nổi tiếng từ lâu với các xưởng sản xuất thép nằm xen kẽ những cánh đồng lúa và nghề làm sắt truyền thống.
Làng Đa Hội có nghề làm sắt thép truyền thống.
Ông Quỵ từng được các tờ báo xưng tụng là ông vua sắt thép vì đã phát minh ra nhiều loại máy cán và uốn sắt từ những năm còn bao cấp. Ông Quỵ nay đã 82 tuổi. Khi ngồi bên ấm trà ôn lại những ký ức cuộc đời, giọng ông ngập ngừng như đang hồi tưởng về quá khứ xa xăm lắm.
Sinh ra trong một gia đình phú nông sở hữu nhiều ruộng đất, tuổi thơ trước chiến tranh của ông rất no ấm: chạy chơi trong căn nhà nhiều gian, đi chăn trâu và ăn gạo trắng cả ngày.
Nhưng thời thanh bình không kéo dài lâu.
“Tôi sống qua hai cuộc chiến tranh, chống Pháp và chống Mỹ. 8 tuổi đã có chiến tranh nên tôi không được đến trường. Lính Pháp đốt nhà tôi. Hồi ấy trẻ con nên không biết giận mà chỉ biết sợ thôi, sợ lắm”, ông kể.
Chương trình cải cách ruộng đất kém hiệu quả vào giữa những năm 1950 làm những người dân như ông Quỵ gặp nhiều khổ sở.
Ông Quỵ lắc đầu, giọng gần vỡ ra: “Hồi đấy chẳng có việc làm, dân rất nghèo. Nhưng ít nhất thì làng Đa Hội này còn có nghề sắt truyền thống, thế nên tôi quyết tâm tự học nghề kỹ sư kim khí.Tôi từng sản xuất hoa sắt cửa sổ, thép xây dựng và phụ tùng xe đạp. Tôi cũng sản xuất được cả khung kim loại để xây xưởng”.
Tuy gặp phải nhiều gian khó nhưng làng Đa Hội và gia đình ông Quỵ không chỉ vượt qua mà còn làm ăn rất phát đạt. Từ năm 1968, ông đã kiếm đủ tiền để mua lại một phần đất của gia đình bị mất trong cuộc cải cách.
“Tôi từng chuyển sản phẩm ra Hà Nội để tiêu thụ. Bây giờ có nhiều công trình xây dựng nên các con tôi đều rất bận”, ông Quỵ kể.
Con gái ông Quỵ trong xưởng thép riêng ở Đa Hội. |
Điện về làng năm 1991 đã giúp thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Cả việc Samsung chọn Bắc Ninh để xây nhà máy cũng đã phần nào làm thay đổi cuộc sống ở Đa Hội.
Ngày nay, các doanh nghiệp cán thép nhỏ như của nhà ông Quỵ và các con ông phải hạ giá thành sản phẩm để cạnh tranh với thép nhập từ Đài Loan và Trung Quốc. Tuy nhiên, sự phát triển của Đa Hội cũng phải đánh đổi bằng một cái giá đắt. Cả ngôi làng giờ luôn bị bao phủ bởi một lớp bụi đất dày, lẫn cả vào trong không khí, vấn đề thường gặp ở các khu vực phát triển của Đông Nam Á.
Dù sao đi nữa, ông Quỵ vẫn vô cùng tự hào về cuộc hành trình đưa cả gia đình về với sự sung túc, thịnh vượng. Ông nói với tôi: “Tôi có 14 người con. Chúng nó đều giàu cả và đều có xưởng riêng. Bây giờ lại ấm no như ngày trước”.
Bà Lợi, con gái ông, hơi lo lắng lúc gặp tôi. Bà trưởng thành trong nền kinh tế chỉ huy kém hiệu quả của thời kỳ 1980, khi chỉ kiếm đủ ăn thôi cũng đã là một thành công. Hơn các bạn đồng trang lứa, bà được đi học hết cấp 2 rồi quay về với nghề của gia đình.
“Mình chưa từng có ước mơ gì, quen với cuộc sống khó khăn rồi. Hồi đấy thì chỉ mong kiếm đủ ăn”, bà nói.
Bà Lợi cẩn trọng bao nhiêu thì con gái tên Yến lại sôi nổi, tràn trề nhiệt huyết bấy nhiêu. Yến đang học khoa Tây Ban Nha tại trường đại học Hà Nội.
“Cháu là người đầu tiên trong gia đình được học đại học. Cháu thấy mình rất may mắn và nhận được nhiều sự hỗ trợ từ gia đình. Cháu muốn tốt nghiệp rồi đi du lịch đó đây. Cháu có thể sẽ nhận được học bổng 9 tháng đi Valladolid hoặc Santiago de Chile”, Yến nói. “Nhưng cháu cũng thích đến xưởng và xem cách mẹ cháu quản lý, nói chuyện với đối tác, khách hàng và nhân viên”.
Ấy vậy nhưng Yến cũng rất hiểu về những gian khó mà mẹ và ông ngoại từng trải qua. Cô bé nói với tôi: “Cháu thật sự cảm nhận được nỗi buồn mà các thế hệ trước đã phải trải qua. So với chúng cháu, cuộc sống của họ vất vả hơn nhiều. Nhưng cháu nghĩ bây giờ là thời điểm tốt cho Việt Nam, hơn hẳn so với ngày trước. Cháu có điều kiện để theo đuổi ước mơ và hoàn thiện bản thân”.
Con cháu trong lễ mừng thọ ông Quỵ. |
Tôi nhận thấy câu chuyện của gia đình ông Quỵ có nhiều nét tương đồng với câu chuyện phát triển vĩ mô của Việt Nam. Từ chiến tranh gian khó đi lên, họ nay đã có được hòa bình và sự no ấm, phát đạt, từ mức độ một gia đình nhỏ đến cấp độ của một đất nước.
Phóng chiếu sang những quốc gia Đông Nam Á khác, tương lai còn chưa có gì chắc chắn, nhưng nếu nhân dân Việt Nam luôn giữ một lòng quyết tâm mãnh liệt trong huyết quản, đất nước Việt Nam nhất định sẽ sẵn sàng đối mặt với các thách thức.
Tôi có cảm giác mạnh mẽ rằng Việt Nam sẽ nổi lên như một anh cả trong sân chơi ASEAN trong những năm sắp tới, như lời ông Quỵ tâm sự với tôi sau hồi lâu suy ngẫm: “Vâng, mọi sự tốt lành đã trở về”.
Karim Raslan là một doanh nhân kiêm bình luận viên báo chí về Đông Nam Á được đánh giá cao. Ông là nhà sáng lập và CEO của tập đoàn KRA Group, một công ty tư vấn đầu tư có thâm niên hoạt động trong khu vực ASEAN. Sau khi tốt nghiệp tại đại học Cambridge, Anh, ông chuyển về sống tại quê nhà ở Malaysia và liên tục đi tới các nước trong khu vực để mục sở thị đời sống dân sinh và viết báo. Vì vậy, Karim có sự thấu hiểu sâu sắc đối với môi trường kinh tế, chính trị của các nước ASEAN, đặc biệt là tại Malaysia, Indonesia, Singapore, Thái Lan, Philippines và Việt Nam. Karim Raslan là tác giả của 5 cuốn sách đã xuất bản: “Câu chuyện: Malaysia trong sự chuyển mình”, “Những người anh hùng và các câu chuyện khác”, “Câu chuyện 2: Hành trình qua Đông Nam Á”, “Câu chuyện 3: Malaysia – giấc mơ bị trì hoãn” và cuốn sách viết bằng tiếng Indonesia “Kể câu chuyện Indonesia”. |
Karim Raslan